Thay vì xin trợ giúp từ các nước láng giềng châu Âu để chống Covid-19, Serbia, một quốc gia vùng Balkan, quyết định đặt niềm tin vào Trung Quốc. "Sự đoàn kết của châu Âu không tồn tại. Nó chỉ có trong truyện cổ tích thôi", Tổng thống Serbia Alexanderar Vucic nói khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp ngày 16/3. "Tôi tin vào người anh em và bạn bè của mình là ông Tập Cận Bình, tôi tin vào sự giúp đỡ của Trung Quốc".
Ông Tập cũng cam kết điều thêm chuyên gia y tế đến Italy trong tuần này. Bắc Kinh đã chuyển 2.000 kit xét nghiệm nhanh cho Philippines.
Đây được coi là một phần trong chiến lược "tấn công quyến rũ" của Trung Quốc, sau khi nước này thực hiện thành công cú "lội ngược dòng" trước Covid-19 khởi phát tại Vũ Hán. Trung Quốc từng nhận khẩu trang và vật tư y tế hỗ trợ từ gần 80 quốc gia và 10 tổ chức quốc tế và giờ là lúc họ "báo đáp".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Vũ Hán ngày 10/3. Ảnh: NYTimes. |
Từ Nhật Bản đến Iraq, Tây Ban Nha cho đến Peru, Trung Quốc đã cung cấp hoặc cam kết hỗ trợ nhân đạo dưới hình thức gửi vật tư hoặc hỗ trợ chuyên môn. Chiến lược này giúp Trung Quốc có cơ hội thể hiện họ không phải là "lò ấp nCoV" mà là một cường quốc có trách nhiệm trong khủng hoảng toàn cầu.
Họ thế chỗ phương Tây, bên vốn thường gánh vác trách nhiệm trong thảm họa tự nhiên hoặc tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng thúc đẩy chính sách "nước Mỹ trên hết" và dần rút vai trò lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế.
"Đây có thể là khủng hoảng toàn cầu lớn đầu tiên trong nhiều thập kỷ không có sự lãnh đạo nổi bật của Mỹ mà thay vào đó là sự dẫn dắt quan trọng của Trung Quốc", Rush Doshi, giám đốc Sáng kiến Chiến lược Trung Quốc tại Viện Brookings ở Washington, nói. Ông nhấn mạnh rằng vài năm trước, Mỹ đã lãnh đạo cuộc chiến chống Ebola toàn cầu.
Trung Quốc đã sử dụng các công cụ và nguồn tài chính dồi dào để xây dựng quan hệ đối tác trên khắp thế giới, dựa vào thương mại và đầu tư. Trong cuộc khủng hoảng Covid-19, họ có lợi thế là nhà sản xuất thuốc và khẩu trang lớn nhất thế giới. Sự hào phóng của họ hiện giờ giúp xoa dịu giận dữ về cách xử lý chậm trễ ban đầu. Covid-19 khởi phát ở Vũ Hán đầu tháng 12/2019, nhưng đến 20/1 Trung Quốc mới thừa nhận nCoV lây từ người sang người và bắt đầu có biện pháp chống dịch quyết liệt.
"Tôi không biết và tôi cũng chẳng quan tâm", Michele Geraci, cựu thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Italy, nói khi được hỏi liệu ngoài mối quan tâm nhân đạo, sự hỗ trợ của Trung Quốc có phản ánh tham vọng địa chính trị hay không.
Ông nói rằng vấn đề cấp bách là cung cấp nguồn lực y tế để cứu sống nhiều người, điều mà các đồng minh EU không thể hoặc không muốn làm. Nhiều quốc gia châu Âu đã ra lệnh cấm xuất khẩu vật tư y tế. "Nếu có ai lo rằng Trung Quốc đang làm quá nhiều thì hãy nhập cuộc đi", ông nói. "Đó là điều những nước khác nên làm".
Trung Quốc từ lâu đã khao khát thể hiện vai trò nổi bật hơn ở Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác, đồng thời tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở ngày càng nhiều nơi trên thế giới, đôi khi cạnh tranh trực tiếp với Mỹ.
"Trung Quốc đang cố gắng sửa chữa hình ảnh quốc tế bị tổn hại nghiêm trọng do cách xử lý dịch kém cỏi ở Vũ Hán vào đầu tháng một", Minxin Pei, giáo sư Đại học Claremont McKenna ở California, viết. "Trung Quốc thể hiện mình là cường quốc thế giới có trách nhiệm và hào phóng khi tặng vật tư y tế cho các nước khác. Họ cũng đang khoe về thành công khống chế Covid-19".
Ngày 18/3, Trung Quốc cho biết sẽ cung cấp hơn hai triệu khẩu trang và 50.000 kit xét nghiệm cho châu Âu. "Chúng tôi rất biết ơn sự hỗ trợ của Trung Quốc", Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, viết trên Twitter.
Doanh nhân hàng đầu Trung Quốc Jack Ma thông báo sẽ ủng hộ 500.000 kit xét nghiệm và một triệu khẩu trang cho Mỹ, nơi các bệnh viện đang thiếu vật tư dù đã có nhiều tuần để chuẩn bị đối phó dịch. Hồi tháng hai, Mỹ đã gửi 17 tấn vật tư y tế cho Vũ Hán trên 4 chuyến bay đưa người Mỹ rời thành phố.
"Đây không còn là thách thức mà một quốc gia có thể tự mình giải quyết, nó đòi hỏi tất cả chúng ta chung sức đối phó", quỹ của Ma viết trong một tuyên bố, liệt kê hàng chục quốc gia mà ông đã ủng hộ, bao gồm tất cả 54 nước châu Phi.
Tuyên bố còn trích một bài đăng trên Weibo của ông Ma, trong đó sử dụng khẩu hiệu quen thuộc của chính trị Mỹ: "Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết".
Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ nghi ngờ về các hành động hào phóng của Trung Quốc. Nhiều người ở Italy giận dữ chỉ ra rằng Trung Quốc đang bán khẩu trang và các thiết bị y tế chứ không phải tặng chúng và nói rằng một số vật tư chỉ nhằm phục vụ công dân Trung Quốc ở nước này.
Những người khác cảnh báo rằng Trung Quốc đang sử dụng thế mạnh trong sản xuất khẩu trang để "ban thưởng" cho các quốc gia có quan hệ tốt với họ. Trung Quốc sản xuất khoảng một nửa lượng khẩu trang thế giới trước khi Covid-19 bùng phát và họ sau đó tăng công suất sản xuất gần gấp 12 lần, nhưng đang giữ lại phần nhiều sản phẩm thay vì xuất khẩu.
Lý Hưng Can, quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết chính phủ không ban hành bất kỳ quy định ngừng xuất khẩu nào, nhưng họ cần giữ lại hàng để đáp ứng nhu cầu lớn trong nước.
Nhưng nhiều quốc gia đang được Trung Quốc hỗ trợ không mấy quan tâm đến câu hỏi về động cơ của họ. Điều đó đặc biệt rõ ràng ở Iraq, quốc gia vốn là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiều thập kỷ.
10 ngày trước, một nhóm 7 chuyên gia y tế Trung Quốc đến Iraq, mang theo thiết bị và vật tư y tế, bao gồm hai máy giúp Iraq tăng gấp 4 lần số lượng xét nghiệm họ có thể thực hiện mỗi ngày. "Người dân Iraq đánh giá cao sáng kiến của Trung Quốc", Thứ trưởng Y tế Iraq Jassim Al-Falahi nói.
Trong những ngày sau đó, các chuyên gia Trung Quốc hướng dẫn bác sĩ và giới chức y tế Iraq các bước để chống nCoV, họp từ xa với các lãnh đạo bệnh viện Iraq, theo Hassan Al-Tamimi, lãnh đạo Tổ hợp Bệnh viện Thực hành Medical City ở Baghdad.
Bộ Ngoại giao Iraq ra tuyên bố, nói rõ rằng Covid-19 chỉ là một trong nhiều dự án hai nước hợp tác cùng nhau. Các dự án khác bao gồm khai thác dầu mỏ và nâng cấp lưới điện của Iraq.
Không rõ liệu người Iraq có tiếp nhận đầy đủ các chỉ dẫn phòng dịch của Trung Quốc hay không. Ngày 17/3, trong lễ ký kết lắp đặt phòng thí nghiệm mới tại Medical City, đại sứ Trung Quốc tại Iraq Trương Đào bày tỏ lo lắng.
"Có rất nhiều người trong phòng, những người quan trọng, cố vấn chính phủ và bộ trưởng, nhưng không ai đeo khẩu trang hay găng tay", ông Trương nói với bác sĩ phổi ở Medical City Mohammed Waheen tại sự kiện.
"Thủ tướng nước ông đã ngoài 70 tuổi rồi", đại sứ nói. "Các ông không nhìn nhận mức độ nguy hiểm của dịch một cách nghiêm túc".