Freeship toàn quốc
Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và xung đột Nga – Ukraina vẫn căng thẳng, nhưng xuất khẩu gỗ của Việt Nam vẫn tăng ấn tượng. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 3,94 tỉ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), cho biết: Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… đang hỗ trợ mạnh mẽ cho xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Xuất khẩu các mặt hàng nội thất vào các thị trường đều tăng mạnh, trong đó, dẫn đầu là nội thất phòng khách, phòng ăn, tiếp theo là nội thất phòng ngủ.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cũng dự báo, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị CPTPP, EVFTA sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022 bởi hiện tại, nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ đã “kín” đơn hàng đến hết quý II.2022, đang nhận đơn hàng của quý 3 và quý 4.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gỗ sang thị trường Châu Âu (EU) tăng trưởng rất lạc quan. Tháng 3.2022 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ước đạt 71,3 triệu USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 3.2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU ước đạt 198,6 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Hầu hết các mặt hàng trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu sang thị trường EU đều có kim ngạch tăng trưởng tích cực (trừ mặt hàng đồ nội thất văn phòng giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19). Hiện tại, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh tiến độ sản xuất để kịp giao hàng cho các đối tác.
Theo TS Tô Xuân Phúc – chuyên gia phân tích của Tổ chức Forest Trends, mặc dù nhiều tín hiệu lạc quan về đơn hàng, nhưng ngành gỗ đang gặp thách thức lớn về nguồn cung nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, nguyên nhân chính do nguồn cung trong nước không đủ, phải nhập thêm từ các nước nhưng giá gỗ nhập khẩu đang tăng “nóng”.
Hiện tại, giá gỗ thông tròn New Zealand đã lên đến 175-180 USD/m3, tăng từ 32-35 US/m3; gỗ thông tròn Chile có giá 190 USD/m3, tăng 35 USD/m3.
Ông Võ Quang Hà - Tổng Giám đốc Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (TAVICO) cũng bày tỏ lo lắng về việc nhập khẩu gỗ trong thời gian tới sẽ rất khó khăn do EU giảm xuất khẩu, giữ lại một phần lượng gỗ nguyên liệu để bù đắp phần cung thiếu hụt từ Nga do xung đột Nga – Ukraina chưa có dấu hiệu “giảm nhiệt”.
Mặt khác, giá vận tải biển, chi phí logistics đang tăng cao cũng là "nút thắt" ảnh hưởng tiêu cực đến giá thành sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Hiện tại, một container đi EU dao động từ 6.000-8.000USD, đi Mỹ khoảng từ 10.000-12.000 USD/container.
Thậm chí, có những doanh nghiệp phải "nghiến răng" chi tới 25.000 USD để vận chuyển một container từ cảng Cát Lái đến bờ Đông của Mỹ, dù xuất hàng đi, lợi nhuận của doanh nghiệp gần như bằng không.